Đón ‘cơ hội vàng’, hồ tiêu có thể phá kỷ lục xuất khẩu

Nội dung bài viết
Đón ‘cơ hội vàng’, hồ tiêu có thể phá kỷ lục xuất khẩu
Sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong niên vụ 2025 được dự báo sẽ giảm, trong khi Việt Nam vẫn duy trì ổn định cả về chất lượng lẫn số lượng.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong tháng 2/2025, Việt Nam đã xuất khẩu 14.331 tấn hồ tiêu, thu về 97,3 triệu USD, tăng 5,4% về lượng và 77,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hồ tiêu đen chiếm 11.858 tấn, còn hồ tiêu trắng đạt 2.473 tấn.
Tính chung hai tháng đầu năm 2025, tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu đạt 27.416 tấn, trị giá 184,9 triệu USD. Dù khối lượng giảm 11,9% so với năm 2024, nhưng giá trị lại tăng 48,1%. Giá hồ tiêu xuất khẩu trung bình trong giai đoạn này đạt 6.746 USD/tấn, tăng 68,2% so với năm trước. Đặc biệt, tháng 2/2025 ghi nhận mức giá trung bình 6.788 USD/tấn, mức cao nhất trong tám năm qua kể từ tháng 2/2017.

Xuất khẩu hồ tiêu hướng tới kỷ lục 1,5 tỷ USD trong năm 2025
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất từ Việt Nam với 5.890 tấn trong hai tháng đầu năm, chiếm 21,5% tổng lượng xuất khẩu, dù giảm 32,7% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường lớn tiếp theo gồm Đức, Ấn Độ và Trung Quốc, trong đó Trung Quốc tăng nhập khẩu 86,6% so với năm 2024.

Sản lượng hồ tiêu toàn cầu được dự báo giảm trong năm 2025
VPSA dự báo năm 2025 sẽ là một năm phát triển tích cực cho ngành hồ tiêu Việt Nam. Khi nguồn cung toàn cầu suy giảm nhưng nhu cầu vẫn duy trì ổn định, Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường và nâng cao giá trị xuất khẩu.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 1,32 tỷ USD với sản lượng 200.000 tấn từ 110.500 ha, năng suất trung bình 2,6 tấn/ha, cao gấp đôi mức trung bình thế giới. VPSA dự báo năm 2025, giá trị xuất khẩu có thể đạt 1,5 tỷ USD, do Việt Nam vẫn chiếm khoảng 40% sản lượng và 55% kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu.
Ba yếu tố chính hỗ trợ nhận định này gồm:
- Công nghệ chế biến hiện đại: Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp chế biến, trong đó 15 doanh nghiệp hàng đầu và 14 nhà máy chế biến sâu đạt tiêu chuẩn quốc tế như ASTA, ESA, JSSA.
- Sản lượng ổn định: Đắk Nông – thủ phủ hồ tiêu Việt Nam – giữ sản lượng tương đương năm trước, trong khi các tỉnh như Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu có dấu hiệu phục hồi nhờ giá cả tăng.
- Năng suất cao: Dù diện tích trồng tiêu chỉ bằng 15% cà phê và 12% cao su, hồ tiêu vẫn đóng góp 23% giá trị xuất khẩu cà phê và 38% giá trị cao su. Gia Lai là địa phương tiêu biểu với diện tích trồng tiêu khoảng 7.500 ha, năng suất đạt 3,5 tấn/ha, cao hơn 30% so với trung bình cả nước.

Việt Nam rất đa dạng về các loại mặt hàng hồ tiêu xuất khẩu
Dù có nhiều thuận lợi, ngành hồ tiêu vẫn đối mặt với thách thức từ vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, yêu cầu giảm phát thải carbon và sự thiếu liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Gần đây, hai lô hồ tiêu xuất khẩu sang Đài Loan bị trả về do nhiễm chất sudan IV, một loại phẩm màu công nghiệp bị cấm tại EU, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nguyên nhân xuất phát từ thói quen sử dụng bao tải và bạt màu trong thu hoạch và bảo quản.
Ngoài ra, ngành hồ tiêu vẫn còn mang tính sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông dân. Việc nghiên cứu thị trường chưa hiệu quả, khiến ngành hàng chưa tận dụng được hết tiềm năng.
Để khắc phục những hạn chế này, chuyên gia khuyến nghị ngành hồ tiêu cần mở rộng thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống. Đồng thời, sản xuất theo hướng bền vững, minh bạch nhằm đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của người tiêu dùng quốc tế, đặc biệt là tại EU, nơi sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm đạt chuẩn môi trường và an toàn thực phẩm.
